Quy trình vận chuyển, xử lý, sơ chế và chế biến thực phẩm theo phương pháp hữu cơ
07/08/2017
Để sản phẩm thực phẩm hữu cơ được chế biến từ nguyên liệu là nông sản hữu cơ được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ các đơn vị sản xuất cần tuân thủ theo các yêu cầu trong Tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041:2015 tương đương Tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế Codex “CAC/GL 32-1999, Rev. 2013”.
- ĐĂNG KÝ nhận các Hướng dẫn sản xuất cho từng loại nông sản hữu cơ tại đây!
Tóm lược một số nguyên tắc chính cần áp dụng trong vận chuyển, xử lý, sơ chế và chế biến thực phẩm hữu cơ theo Tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041:2015 như sau:
I. Duy trì chất lượng:
Chất lượng của sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ phải được duy trì trong suốt quá trình chế biến. Điều này đạt được bằng cách dùng các kỹ thuật thích hợp với đặc trưng riêng của các thành phần và các phương pháp chế biến cẩn thận, hạn chế tinh chế và dùng các chất phụ gia, các chất hỗ trợ chế biến.
Không được dùng bức xạ ion hóa các sản phẩm này cho mục đích kiểm soát dịch hại, bảo quản thực phẩm và loại bỏ vi sinh vật gây bệnh hoặc vệ sinh.
Etylen có thể được sử dụng cho quá trình làm chín quả kiwi và chuối.
II. Quản lý dịch hại
1. Sâu bệnh/côn trùng có thể lây nhiễm và phát triển trong quá trình vận chuyển, lưu giữ sản phẩm thực vật. Tương tự, côn trùng/vi sinh vật lây nhiễm và phát triển trong quá trình vận chuyển, lưu giữ sản phẩm động vật.
2. Để quản lý và kiểm soát dịch hại, cần sử dụng các biện pháp sau đây theo thứ tự ưu tiên:
a) Phương pháp quản lý dịch hại trước hết phải là các phương pháp phòng ngừa, ví dụ: phá bỏ các ổ trú ngụ của dịch hại;
b) Nếu các phương pháp phòng ngừa chưa đủ để kiểm soát được dịch hại, thì sự lựa chọn đầu tiên để kiểm soát dịch hại là các phương pháp cơ học/lý học và sinh học;
c) Nếu việc kiểm soát dịch hại bằng các phương pháp cơ học/lý học và sinh học cũng không kiểm soát được dịch hại, thì cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép dùng các thuốc bảo vệ thực vật gây hại được phép sử dụng đã nêu trong Bảng B.2 của Phụ lục B, TCVN 11041:2015 (hoặc các chất khác được Văn phòng Chứng nhận chất lượng (BQC) cho phép dùng phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 11041:2015) với điều kiện là chúng được chấp nhận cho dùng trong quá trình xử lý, bảo quản, vận chuyển hoặc chế biến nhưng phải ngăn chặn được sự tiếp xúc với các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
3. Có thể tránh được dịch hại bằng thực hành tốt trong sản xuất. Các biện pháp kiểm soát dịch hại trong khu vực bảo quản hoặc các thùng vận chuyển có thể dùng các rào cản vật lý hoặc dùng các biện pháp xử lý khác như tiếng động, sóng siêu âm, ánh sáng, tia cực tím, bẫy (bẫy pheromon và các bẫy có bả, mồi nhử) nhiệt độ có kiểm soát, không khí có kiểm soát (khí cacbonic, ôxy, nitơ) và đất điatomit.
4. Không được phép dùng các thuốc bảo vệ thực vật không được liệt kê trong Phụ lục B, TCVN 11041:2015 cho sản phẩm sau thu hoạch hoặc vì mục đích kiểm dịch đối với các sản phẩm được chế biến theo tiêu chuẩn này vì có thể làm thực phẩm đã được sản xuất theo phương pháp hữu cơ mất đi trạng thái theo phương pháp hữu cơ của chúng.
III. Chế biến và sản xuất
1. Nên dùng các phương pháp chế biến cơ học, lý học hoặc sinh học (ví dụ lên men và xông khói) và giảm thiểu việc dùng các chất phi nông nghiệp và các phụ gia như đã liệt kê tại Bảng B.3 và Bảng B.4 của Phụ lục B, TCVN 11041:2015.
III. Bao gói
1. Vật liệu bao gói nên chọn từ các nguồn có thể phân hủy bằng sinh học, được tái sinh hoặc có thể tái sinh.
IV. Bảo quản và vận chuyển
1. Độ nguyên vẹn của sản phẩm phải được duy trì trong suốt quá trình bảo quản, vận chuyển và xử lý bằng cách dùng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
a) Sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ phải được bảo vệ mọi lúc để khỏi bị trộn lẫn với các sản phẩm không theo phương pháp hữu cơ; và
b) Sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ phải được bảo vệ mọi lúc để khỏi bị tiếp xúc với các vật liệu và các chất không được phép dùng trong nông nghiệp hữu cơ và xử lý hữu cơ.
2. Nơi mà chỉ một phần của đơn vị sản xuất được chứng nhận, các sản phẩm khác không bao gồm theo tiêu chuẩn này cần được bảo quản, xử lý riêng và cả hai loại sản phẩm này phải được nhận biết rõ ràng.
3. Việc bảo quản số lượng lớn sản phẩm hữu cơ, phải tách riêng khỏi các kho chứa sản phẩm thông thường và phải có nhãn rõ ràng.
4. Các nơi bảo quản và các côngtenơ vận chuyển sản phẩm theo phương pháp hữu cơ phải được làm sạch bằng cách sử dụng các phương pháp và vật liệu được phép dùng trong sản xuất. Phải dùng các biện pháp tránh bị nhiễm bẩn có thể từ bất kỳ các loại thuốc bảo vệ thực vật nào và tránh các cách xử lý khác không được liệt kê trong Phụ lục B, TCVN 11041:2015 trước khi sử dụng trong khu vực bảo quản hoặc côngtenơ vận chuyển mà không chuyên dùng cho các sản phẩm hữu cơ.
V. CÁC CHẤT ĐƯỢC PHÉP DÙNG TRONG VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ, SƠ CHẾ VÀ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM HỮU CƠ.
- Các chất dùng để kiểm soát dịch hại và bệnh tật (Phòng trừ sâu bệnh, địch hại): Bảng B.2 - Phụ lục B, TCVN 11041:2015.
- Các thành phần hóa chất và phụ gia được phép sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm hữu cơ được quy định trong mục II, Phụ lục B, TCVN 11041:2015..
- Thành phần của các chất không có nguồn gốc nông nghiệp được dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hữu cơ (phụ gia thực phẩm): Bảng B.3 – Phụ lục B, TCVN 11041:2015.
- Chất hỗ trợ chế biến có thể được sử dụng để chế biến các sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp: Bảng B.4 – Phụ lục B, TCVN 11041:2015.