Để sản phẩm gia cầm như gà, vịt, chim cút, ngan, ngỗng … và trứng gia cầm được chứng nhận là thực phẩm chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ chủ trang trại cần tuân thủ theo các yêu cầu trong Tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041:2015 tương đương Tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế Codex “CAC/GL 32-1999, Rev. 2013”.
- ĐĂNG KÝ nhận các Hướng dẫn sản xuất cho từng loại nông sản hữu cơ tại đây!
Tóm lược một số nguyên tắc chính cần áp dụng trong chăn nuôi gia cầm hữu cơ theo Tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia TCVN 11041:2015 như sau:
A. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ TRANG TRẠI VÀ GIỐNG
1. Nơi mà vật nuôi được duy trì dùng để sản xuất theo phương pháp hữu cơ phải là một phần không thể thiếu của một đơn vị trang trại theo phương pháp hữu cơ và phải được phát triển và giữ vững theo tiêu chuẩn hữu cơ.
2. Gia cầm phải được chạy ngoài trời (có sân chơi) và mật độ đàn nuôi phải thích hợp.
3. Quản lý vật nuôi theo phương pháp hữu cơ cần hướng về việc sử dụng các phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên, giảm thiểu “stress”, phòng ngừa dịch bệnh, loại bỏ dần việc dùng các thuốc thú y hóa học (kể cả thuốc kháng sinh), giảm bớt việc cho vật nuôi ăn các sản phẩm có nguồn gốc động vật (ví dụ bột thịt), duy trì sức khỏe và sự sinh trưởng tốt cho động vật.
4. Việc chọn con giống, loài và các phương pháp sinh sản phải nhất quán với các nguyên tắc của trang trại sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Gia cầm giống dùng để chăn nuôi theo hữu cơ phải được ấp nở từ các đơn vị chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc phải là con của các cặp bố mẹ được nuôi dưỡng theo các điều kiện được nêu trong tiêu chuẩn hữu cơ này. Chúng phải được nuôi dưỡng suốt đời theo hệ thống này.
5. Gia cầm giống từ các nguồn không theo phương pháp hữu cơ có thể được phép đưa vào khu vực chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ (dưới sự chấp thuận của tổ chức chứng nhận), có tính đến việc các vật nuôi này được đưa vào khu vực chăn nuôi hữu cơ khi càng nhỏ càng tốt ngay sau khi chúng được ấp nở.
B. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT VÀ GIÁM SÁT
1. Việc chuyển đổi vùng đất dự tính dùng cho cây trồng làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn cho gia cầm phải tuân theo phương pháp sản xuất hữu cơ).
2. Một khi vùng đất đã đạt trạng thái theo phương pháp hữu cơ và gia cầm giống được đưa vào nuôi dưỡng từ nguồn không theo phương pháp hữu cơ thì đàn gia cầm nuôi lấy thịt cần được nuôi dưỡng theo tiêu chuẩn này ít nhất là trong
Các sản phẩm thịt: Toàn bộ quãng thời gian sống, tùy thuộc đối tượng gia cầm.
Trứng: Sáu tuần.
C. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ DINH DƯỠNG VÀ THỨC ĂN
1. Cần cung cấp cho tất cả hệ thống vật nuôi đến mức tối ưu 100 % thức ăn hàng ngày (kể cả thức ăn cho “thời kỳ chuyển đổi”) được sản xuất theo phương pháp hữu cơ hoặc tối thiểu 80 % (tính theo chất khô) từ các nguồn cung cấp được sản xuất theo phương pháp hữu cơ.
2. Ngoài ra, Tổ chức chứng nhận có thể cho phép một số phần trăm thức ăn chăn nuôi nào đó không được sản xuất theo tiêu chuẩn này dùng cho vật nuôi ăn trong một thời gian có giới hạn, với điều kiện không được chứa các sinh vật biến đổi gen hoặc các sản phẩm của chúng.
3. Vật nuôi phải được uống đủ nước sạch theo phương pháp hữu cơ để duy đầy đủ sức khỏe và sinh lực của vật nuôi.
4. Thức chăn nuôi gốc khoáng, các nguyên tố vi lượng, vitamin, provitamin có thể chỉ được dùng nếu chúng có nguồn gốc tự nhiên.
5. Khẩu phần thức ăn cụ thể cho vật nuôi cần tính đến nhu cầu về ngũ cốc trong giai đoạn vỗ béo gia cầm, nhu cầu về thức ăn thô, thức ăn tươi hoặc khô, hoặc thức ăn ủ chua trong khẩu phần ăn hàng ngày cho gia cầm.
6. Thức ăn chăn nuôi gốc động vật không được phép sử dụng (ngoại trừ cá, các động vật biển).
7. Probiotic, enzym và vi sinh vật: được phép dùng;
8. Thuốc kháng sinh, kháng sinh kiểm soát bệnh cho gia cầm, dược liệu, chất kích thích tăng trưởng hoặc bất cứ chất nào có tính chất kích thích sinh trưởng hoặc kích thích sản lượng đều không được dùng làm thức ăn chăn nuôi.
D. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE – PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
1. Để phòng bệnh trong sản xuất vật nuôi theo phương pháp hữu cơ cần cho vật nuôi thường xuyên vận động và làm cho chúng có cơ hội tiếp xúc với đồng cỏ và/hoặc nơi chạy nhảy ngoài trời có tác dụng làm tăng miễn dịch tự nhiên của động vật;
2. Bảo đảm mật độ nuôi thả vật nuôi thích hợp nhằm tránh số lượng quá đông và tránh để xảy ra các vấn đề về sức khỏe.
3. Việc dùng các sản phẩm thuốc thú y trong chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a)
cấm dùng thuốc thú y hóa học hoặc thuốc kháng sinh trong điều trị phòng bệnh.
b) sản phẩm từ liệu pháp thực vật (trừ các thuốc kháng sinh), vi lượng đồng căn hoặc các nguyên tố vi lượng sử dụng tốt hơn thuốc thú y hóa học hoặc các thuốc kháng sinh.
c) Nơi xảy ra dịch bệnh đặc biệt hoặc sức khỏe vật nuôi có vấn đề và không có cách xử lý nào khác, hoặc trong trường hợp do luật pháp yêu cầu, thì được phép tiêm phòng cho vật nuôi, dùng thuốc thú y diệt ký sinh trùng và thuốc chữa bệnh (tuy nhiên, cần cách ly gia cầm bị bệnh và gia cầm sẽ mất trạng thái hữu cơ và xuất bán không được gắn nhãn mác sản phẩm hữu cơ)
E. CÁC NGUYÊN TẮC DUY TRÌ MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA VẬT NUÔI TRONG TRANG TRẠI, VẬN CHUYỂN VÀ GIẾT MỔ
1. Các phương pháp sinh sản phải tuân theo nguyên tắc của chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ; không được dùng kỹ thuật ghép phôi và không dùng cách xử lý sinh sản bằng hoóc môn; không được dùng kỹ thuật tạo giống bằng biến đổi gen.
2. Các điều kiện sống và việc quản lý môi trường sống cần tính đến các nhu cầu tập tính riêng của vật nuôi và cung cấp cho chúng đủ điều kiện vận động tự do và có cơ hội thể hiện tập tính bình thường, chung sống với các động vật khác, nhất là đối với các động vật cùng loài;
G. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ ĐIỀU KIỆN VỀ NƠI Ở/CHUỒNG TRẠI VÀ NƠI CHĂN THẢ TỰ DO/SÂN CHƠI CHO GIA CẦM
1. Mật độ nuôi trong chuồng cần: cung cấp cho vật nuôi đủ không gian để đứng, nằm dễ dàng, quay tròn, tự liếm lông, chải lông cho nhau và chấp nhận mọi tư thế tự nhiên và sự vận động của cơ thể chúng như nằm dài ra.
2. Bãi chăn thả tự do, các vùng tập luyện thoáng đãng hoặc các đường chạy nhảy ngoài trời cung cấp đủ phương tiện bảo vệ chống mưa, gió, nắng, nhiệt độ quá mức, nếu có thể, tùy theo các điều kiện thời tiết ở địa phương và tùy theo giống.
3. Gia cầm phải được nuôi trong điều kiện bãi thả ngoài trời, tự do sử dụng nơi chạy nhảy thoáng đãng khi thời tiết cho phép. Không được nuôi nhốt gia cầm trong lồng.
4. Nơi nuôi thủy cầm phải có đường thông với dòng nước chảy, ao hoặc hồ khi thời tiết cho phép.
5. Chuồng trại của mọi loại gia cầm phải được xây dựng ở nơi vững chắc, được phủ nền bằng những vật liệu thải loại như rơm rạ, vỏ bào, cát hoặc các mảng đất có cỏ. Vùng sàn chuồng phải có một phần đủ rộng thích hợp cho gà mái đẻ để gom phân. Sào/cây, chỗ ngủ nơi cao hơn phải có kích thước và số lượng phù hợp với loài và kích cỡ của nhóm gia cầm và phải làm các lỗ chui ra chui vào với kích cỡ thích hợp.
6. Trường hợp đối với gà đẻ, khi kéo dài thời gian ban ngày bằng ánh sáng nhân tạo, Văn phòng Chứng nhận chất lượng (BQC) sẽ chỉ định thời gian tối đa tương ứng với các loài, điều kiện địa lý và sức khỏe.
7. Vì lý do sức khỏe, giữa mỗi đợt nuôi gia cầm, chuồng trại phải để trống và các nơi chạy nhảy cho gia cầm cũng phải có thời gian để trống để cho thực vật có thể mọc lại.
I. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ LƯU TRỮ HỒ SƠ VÀ NHẬN BIẾT SẢN PHẨM
- Người chăn nuôi phải duy trì việc ghi chép chi tiết và cập nhật hồ sơ giám sát trong quá trình chăn nuôi hữu cơ từ khâu giống, quản lý chuồng trại, chăm sóc, vận chuyển và giết mổ để kiểm soát hoạt động chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ cũng như là bằng chứng chứng minh với cơ quan quản lý, tổ chức chứng nhận và khách hàng về việc tuân thủ theo phương pháp chăn nuôi hữu cơ.